Tôn Chỉ và Mục Đích của Hiệp Sĩ Kha Luân Bố là Bác Ái – Hiệp Nhất – Huynh Ðệ – Ái Quốc
Khi gia nhập Hiệp Sĩ Đoàn, các tân Hiệp Sĩ được nhắc nhở những tiêu chuẩn căn bản sinh hoạt của đoàn là Bác Ái – Hiệp Nhất – Huynh Đệ và Ái Quốc. Bốn điều căn bản này là biểu tượng cho bốn cấp bậc mà người Hiệp Sĩ sẽ được thăng tiến trong hành trình đời Hiệp Sĩ của mìmh.
Và khi thi hành các nguyên tắc này, người Hiệp Sĩ sẽ tìm đạt tới những lý tưởng mà giáo lý Công giáo đã truyền dậy. Dưới sự chỉ dẫn linh thiêng của Thiên Chúa, và tuân theo các nguyên tắc này trong đời sống, người Hiệp Sĩ tin tưởng vào sự Hiệp Nhất vững vàng của tất cả những thành viên trong tinh thần Huynh Đệ.
Khi gia nhập đoàn, người Hiệp Sĩ còn được nhắc nhở đến đức tính căn bản và cao qúi nhất của người Công Giáo, đó là đức Bác Ái. Bác Ái là động lực thúc đẩy người Hiệp Sĩ có lòng nghĩa hiệp, và trong khi thi hành điều này người Hiệp Sĩ có thể tìm thấy chân lý của đời mình. Đó là món qùa vô gía mà Thiên Chúa đã đặt trong linh hồn của con người để đo lường sự trung thành của con người đối với đấng Tạo Hóa. Bác Ái phải được xuất phát từ một trái tim nhân từ, để xoa dịu những ai đau khổ, nâng đỡ những ai lo lắng, thông cảm những ai bất hạnh, và an ủi những tâm hồn bối rối. Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc nhở mọi người: “phải lấy Bác Ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Đấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái.
Khi gia nhập đoàn, người Hiệp Sĩ cũng được nhắc nhở hãy siêng năng cầu nguyện và lần hạt mân côi. Trung thành và gắn bó với Mẹ Maria, quan thầy của người Hiệp Sĩ, sẽ làm cho người Hiệp Sĩ đủ sức mạnh trên đường đời. Khi Mẹ Maria luôn ở bên người Hiệp Sĩ, không có gì mà chúng ta không thể thắng được, khó khăn gì mà chúng ta không thể thành đạt. Mẹ Maria là tâm điểm của Thánh Gia, cùng đồng hành với Mẹ, đời sống hôn nhân công giáo và hạnh phúc gia đình sẽ được bảo tồn. Mẹ Maria, người mà con Mẹ không bao giờ từ chối điều gì, cùng với người Hiệp Sĩ, chiến đấu dành công bằng cho những ai bị áp bức, đem tình yêu và sự ủi an đến những kẻ bị thiếu thốn.
Lịch Sử Thành Hình Hiệp Sĩ Đoàn Kha-luân-bố
Người sáng lập Hiệp Sĩ Đoàn Kha-luân-bố là một Linh mục rất trẻ tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo với 13 người con di cư từ Ireland. Khi đặt chân tới Hiệp Chủng Quốc, gia đình McGivney cũng như những gia đình di cư thời đó gặp rất nhiều trở ngại về kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Cha Michael McGivney sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề. Ngài cảm nghiệm sự túng thiếu đã xẩy đến cho chính gia đình mình, và đã chứng kiến rất nhiều cảnh kỳ thị bất hạnh xẩy đến cho những gia đình khác. Cha McGivney đã tìm mọi cách đễ nâng đỡ mọi người thiếu may mắn qua chương trình bảo hiểm nhân thọ cho các thành viên và gia đình của họ. Khi người gia trưởng mất đi, người qủa phụ và con cái sẽ thừa hưởng một số vốn tài chánh do chương trình bảo hiểm mà họ đã tham gia. Ngày 29 tháng 3, 1882, cơ quan lập pháp thuộc tiểu bang Connecticut đã công nhận sự thành hình của đoàn Kha-luân-bố, tôn chỉ và mục đích sinh hoạt của đoàn là Bái Ái, Hiệp Nhất, Huynh Đệ và Ái Quốc. Cha Michael J. McGivney, linh mục 29 tuổi,cha phụ tá tại giáo xứ St. Mary ở New Haven, Connecticut. Danh xưng “Hiệp sĩ Kha-luân-bố” đã được lựa chọn để nói lên rằng như các hiệp sĩ thời xưa, đoàn cũng muốn thể hiện những lý tưởng tu đức và phục vụ Giáo Hội Công giáo, tổ quốc và những anh chị em thiếu thốn.
Tìm Hiểu Về Hiệp Sỉ Đoàn
Hiệp sĩ đoàn Kha-luân-bố được coi là hội đoàn thể Công giáo lớn nhất thế giới mang tính chất gia đình, huynh đệ và phục vụ, với hơn một triệu chín trăm ngàn thành viên thuộc hơn mười bảy ngàn chi đoàn rải rác khắp Hoa-kỳ, Gia-nã-đại, Mễ-tây-cơ, Phi-luật-tân, Puerto Rico, Cuba, Dominican Republic, Bahamas, Virgin Islands, Guatemala, Guam, Saipan và Ba-lan. Hiệp sĩ đoàn đầu tư hơn 65 tỉ đô-la để bảo hiểm cho rất nhiều thành viên của mình. Hằng năm các thành viên thuộc mọi tầng lớp của đoàn báo cáo đã gây quỹ và đóng góp cho những công cuộc từ thiện họ chọn lựa. Trong niên khóa 2006, Hiệp Sĩ Đoàn Kha-luân-bố đã đóng góp hơn 143 triệu đô-la vào những chương trình cứu tế và đã tự nguyện dành hơn 68 triệu giờ cho việc phục vụ. Hỗ trợ Giáo Hội Công giáo là điểm son của hoạt động Hiệp sĩ đoàn Kha-luân-bố trong mọi lãnh vực của mình.